Giao thông đường sắt trong suốt nhiều năm qua luôn là vấn đề trăn trở của nhiều cấp, ngành, nhất là khi số vụ tai nạn đường sắt đang có xu hướng gia tăng. Để chủ động phòng ngừa những tai nạn đường sắt do sự cố kỹ thuật, việc nâng cao tay nghề, kỹ thuật cho đội ngũ nhân viên để đảm bảo an toàn chaỵ tàu là hết sức cần thiết.
Chị Thu chia sẻ: “Dự án rất hữu ích cho công nhân bảo trì, hy vọng có nhiều khóa học phục vụ đường sắt cao tốc sau này nếu có xây dựng ở Việt Nam”.
Thiết bị được hỗ trợ từ Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào việc kéo dài hóa đường ray như máy siêu âm mãng pha có thể đo lường khuyết tật của đường ray, máy đo kỹ thuật số có thể đo chính xác khổ ray, máy kiểm tra độ thẳng cũng như máy đo độ cứng bằng tay. Thông qua việc đào tạo và trang bị về bảo trì đường ray, các kỹ sư Việt Nam sẽ có được năng lực nghiệp vụ thực tế, có thể cắt ray, hàn ray, kiểm tra và đo lường.
Giáo sư Jung Hyuk Sang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Bảo trì đường ray cho biết: “Cơ sở hạ tầng của đường sắt Việt Nam hiện tại đã khá cũ kỹ. Tuy năng lực kỹ thuật được đánh giá cao nhưng vì cơ sở hạ tầng đã cũ nên việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cũng là điều rất cần thiết. Thông qua dự án này, chúng tôi đang rất nỗ lực để có thể vừa nâng cao năng lực kỹ thuật, vừa cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng.”
Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng hệ thống phòng ngừa sự cố nhằm nâng cao năng lực quản lý vận hành, an toàn hệ thống giao thông đường sắt tại Việt Nam. Toàn bộ dự án sẽ có khoảng 300 người được đào tại tại Việt Nam. Sau đó, 60 người ưu tú nhất tiếp tục được cử sang đào tạo tại Hàn Quốc. Đây sẽ là nguồn nhân lực chính cho các dự án trọng điểm của đường sắt Việt Nam trong tương lai, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Theo TS. Trương Trọng Vương, quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt: “Chúng tôi kết hợp chặt chẽ với phía Hàn Quốc, Việt hóa giáo trình dễ hiểu hơn. Bên cạnh đó, các giáo sư Hàn Quốc đưa ra các công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ hàn ray được áp dụng thực tiễn trong thời gian tới.”
Bằng dự án phối hợp với Hàn Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo tiền đề xem xét điều chỉnh, bổ sung quy trình bảo trì và định mức bảo trì đường sắt và vận hành hệ thống ứng dụng kỹ thuật số, nâng cao hiệu quả khai thác vận hành. Ngoài nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ vận hành chạy tàu, trong thời gian tới ngành đường sắt cũng xác định tăng cường ứng dụng hệ thống khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để hạn chế, giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt.